NHỮNG ĐIỂM ĐẾN DU HỌC TỐT, RẺ, NHIỀU CƠ HỘI VIỆC LÀM NHẤT CHÂU ÂU NĂM 2017

Bạn muốn du học ở Châu Âu năm nay nhưng chưa biết đất nước nào phù hợp với bản thân? Hãy cùng Hotcourses tìm câu trả lời ở bảng xếp hạng Study.EU về độ hấp dẫn của 30 quốc gia EU, thông qua ba hạng mục đánh giá Giáo dục, Chi phí và Đời sống và Cơ hội nghề nghiệp.

Cơ chế xếp hạng các quốc gia của Study.EU 2017

Dựa trên những nhu cầu của sinh viên quốc tế trong việc tìm kiếm các chương trình giáo dục chất lượng cao, sự đa dạng các khóa học và mức học phí phù hợp, bảng xếp hạng này đã đưa ra 3 hạng mục đánh giá chính, bao gồm:

Giáo dục (tối đa 50 điểm): dựa trên “tần suất phủ sóng” tên tuổi của các trường đại học của quốc gia ở các bảng xếp hạng uy tín (THE, QS, ARWU và US News); các chỉ số về chất lượng giảng dạy cùng mức độ đa dạng của các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

Chi phí (tối đa 30 điểm): dựa trên mức chi phí sinh hoạt chung khi du học tại một quốc gia cộng với mức học phí đối với sinh viên thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) hoặc khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) cũng như với các sinh viên quốc tế khác. Mức chi phí này càng thấp thì các quốc gia càng ghi điểm.

Đời sống & Cơ hội nghề nghiệp (tối đa 20 điểm): dựa trên Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc 2017 (UN's World Happiness Report); tỷ lệ thất nghiệp ở bậc đại học/cao đẳng thông cũng như trình độ tiếng Anh ở từng địa phương để có thể đánh giá chất lượng cuộc sống cũng như cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế sau tốt nghiệp.

Và top 10 trường đại học hàng đầu EU là

Tại bảng xếp hạng năm nay, nhờ danh tiếng vượt trội trong việc cung cấp những chương trình đào tạo chất lượng cao tại nhiều trường đại học hàng đầu, Đức đã vượt mặt Vương quốc Anh với điểm số 83,2/100 và giành lấy vị trí đầu bảng. Vương quốc Anh vẫn giữ vững “phong độ” về danh tiếng học thuật và số lượng các chương trình học hiện có, nhưng đây cũng là quốc gia có chi phí học tập đắt đỏ nhất châu Âu ở xếp hạng năm nay. Cùng với Vương quốc Anh, Hà Lan, Pháp và Thụy Điển là quốc gia giữ vững danh hiệu “top 5”, lần nữa khẳng định vị thế giáo dục và sức hấp dẫn đối với sinh viên toàn cầu. Những vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt là: Nga, Thụy Sĩ, Ý, Bỉ và Na Uy.

Hạng mục Giáo dục: Đức, Vương quốc Anh, Hà Lan, Nga xếp đầu

Phần lớn các quốc gia dẫn đầu về tiêu chí Giáo dục cũng nằm ở vị trí cao trong bảng xếp hạng vì tiêu chí này chiếm đến 50% tổng số điểm. Trong khi Vương quốc Anh là điểm đến sở hữu nhiều trường đại học có tên trong các xếp hạng quốc tế, thì Hà Lan và Đức lại lại được đánh giá cao về chất lượng giảng dạy. Chính phủ Đức luôn “mạnh tay” trong việc đầu tư vào chất lượng giáo dục và xem đây như một ngành phát triển mũi nhọn, điều này thể hiện trong việc trên 96% dân số tại Đức đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hà Lan đặc biệt thành công trong việc tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh trong những năm gần đây và cũng là nơi cung cấp nhiều khóa học bằng tiếng Anh nhất trong số những quốc gia mà tiếng Anh không phải là quốc ngữ. Những quốc gia châu Âu khác có nền giáo dục vượt trội không kém lần lượt là: Thụy Điển, Pháp, Thụy Sĩ, Ireland, Ý và Đan Mạch.

Hạng mục chi phí: Hungary, Ba Lan, Serbia, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ là những điểm đến rẻ nhất

Về tiêu chí chi phí du học thấp, bảng xếp hạng đã được “lột xác” bởi sự hiện diện của các quốc gia đến từ Đông và Đông Nam Âu. Hungary và Ba Lan là hai đất nước đứng đầu về chi phí du học “dễ thở”, cung cấp một nền giáo dục vững chắc với mức chi phí du học dễ chịu nhất. Có thể lấy ví dụ từ Viện Đại học Debrecen  (Hungary) – nơi được tổ chức y tế thế giới WHO xếp vào danh sách những trường Y được công nhận trên thế giới và được Bộ Y tế Mỹ & EU công nhận bằng cấp. Nếu bạn tham gia chương trình Y Khoa (6 năm) tại Debrecen, mức học phí sẽ là 17,000 USD/năm và 8000 USD/năm đối với chương trình Dược. Đây thực sự là con số thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung chi phí du học các ngành này ở châu Âu hay các nước tiên tiến khác.

Trong top 10 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng chung, chỉ có Đức và Pháp vẫn “đáp ứng” được tiêu chí chi phí vì ở hai nước này, chính phủ thường có các chương trình miễn giảm học phí cho những sinh viên quốc tế không thuộc châu Âu, chi phí sinh hoạt ở đây cũng phải chăng hơn so với những cường quốc giáo dục khác như Mỹ, Anh,…

Chi phí sinh hoạt hằng năm của 10 nước đứng đầu trong danh sách này, bao gồm cả học phí, dao động từ khoảng 6.200 EUR ở Hungary và Ba Lan, khoảng 10.000 EUR ở Pháp. Tuy nhiên, đây chỉ là mức chi phí trung bình trên mặt bằng chung ở các thành phố, con số này chắc chắn sẽ tăng cao ở những khu vực trung tâm và thủ phủ quốc gia. Việc chỉ chi trả 10.000 EUR/năm để du học ở thủ đô Munich (Đức) rõ ràng là một thách thức lớn đối với sinh viên và càng không thể xoay sở với mức chi phí đó nếu lựa chọn học tập ở Paris đắt đỏ.

Hạng mục đời sống và cơ hội nghề nghiệp: UK, Na Uy và Iceland thắng thế

Ở hạng mục Đời sống & Cơ hội nghề nghiệp, bảng xếp hạng đánh giá các quốc gia châu Âu dựa trên chất lượng cuộc sống mà sinh viên và sinh viên tốt nghiệp mong đợi, mức độ dễ dàng hòa nhập với đời sống cho người chỉ nói tiếng Anh và cơ hội xâm nhập vào thị trường lao động địa phương sau khi tốt nghiệp.

Những quốc gia thuộc top 10 nhìn chung đều có chất lượng cuộc sống tốt và hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao. Dẫn đầu bảng xếp hạng này là Vương quốc Anh, vốn từ lâu đã nổi tiếng là điểm đến phổ biến không chỉ cho sinh viên quốc tế mà còn cho các chuyên gia giàu kinh nghiệm ở nước ngoài đến đây tìm kiếm cơ hội việc làm trong một môi trường quốc tế chuyên nghiệp.

 

Những vị trí thuộc top 10 này còn chiếm ưu thế bởi các nước Bắc Âu như Na Uy và Thụy Điển – hai quốc gia được đánh giá cao trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc 2017(UN's World Happiness Report).

Bên cạnh đó, Iceland, Ireland, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch và Áo cũng là những “ứng cử viên nặng đô”mà sinh viên có thể lựa chọn cho mình một “miền đất hứa” phù hợp. Trong đó, Hà Lan là đất nước có tỷ lệ bất bình đẳng về thu nhập thấp nhất trên thế giới với 12,4% hay Ireland được xem là nơi có  tỷ lệ tội phạm được xếp ở mức thấp nhất thế giới nhờ vấn đề an ninh ngày càng được siết chặt.

Với chính sách mở rộng nhập cư cho sinh viên sau tốt nghiệp, Ireland cho phép sinh viên ở lại một năm sau tốt nghiệp để tìm kiếm việc làm và đồng thời cho phép sinh viên đi làm thêm trong khi học (20 giờ mỗi tuần và 40 giờ mỗi tuần vào các kỳ nghỉ) với mức lương tối thiểu là 8,65 euro/giờ.