CHI PHÍ DU HỌC: HỌC CÁCH SỐNG BẰNG “GIA TÀI” SINH VIÊN

Sống có tổ chức, cập nhật liên tục thông tin giảm giá, ưu tiên sử dụng các phương tiện do nhà trường trang bị, chịu khó chia sẻ với bạn bè cùng nhà trong khâu mua sắm vật dụng hay ý thức hơn với vấn đề tái chế sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá chi phí du học!

Một số quy tắc chung cần lưu nhớ

  • Kê ra một danh sách những vật dụng cần mua trước mắt – và những thứ có thể mua sau (nếu đến lúc đó bạn vẫn cần chúng). Ứng dụng International Student Calculator là công cụ hữu ích để bạn tính toán chi phí cho những năm tháng du học tại Vương quốc Anh.
  • Nên đưa ra một hầu bao có giới hạn cho chi tiêu hàng tuần, đặc biệt là cho những khoản như giải trí, ăn uống…
  • Hãy tìm kiếm những chương trình khuyến mãi cho tân sinh viên bằng cách liên hệ hội sinh viên, đọc thông báo dán ở trường và nhận các tờ rơi quảng cáo. Các cựu sinh viên thường chọn những hình thức thông báo này khi họ muốn bán lại những món đồ đã qua tay (chẳng hạn như sách học).
  • Luôn có một khoản tiền phòng hờ trong người, trong trường hợp giá cả vật dụng đắt hơn bạn nghĩ.
  • Để một khoản tiền riêng, vốn chỉ dành để chi trả các hóa đơn trong suốt kì học (tiền thuê nhà, điện, gas…)
  • Khi đi ra ngoài bất kể là vào ban ngày hay ban đêm thì cũng chỉ mang theo số tiền bạn cho phép mình chi tiêu
  • Nếu có thể, tốt nhất bạn nên trả mọi thứ bằng tiền mặt. Các nghiên cứu cho thấy con người ta thường có xu hướng tiêu tiền mặt ít hơn thẻ ATM (vì khi đó họ có thể cảm nhận được việc túi tiền bị xẹp đi thấy rõ)

Nghĩ về thứ bạn thực sự cần

  • Luôn luôn lên danh sách khi đi mua hàng – điều này sẽ tránh cho bạn khỏi việc mua sắm một cách “bốc đồng”
  • Nếu chia sẻ với mọi người sống chung trong căn hộ, bạn có thể sẽ tiết kiệm được nhiều hơn là mua sắm một mình. Chí ít thì bạn cũng sẽ không phải rơi vào tình huống có đến 3 cái máy nướng bánh mì và 5 cái xoong nhưng lại chẳng có cái nĩa nào trong bếp cả!
  • Trường Đại học có thể sẽ trang bị máy tính và các “phụ kiện” như máy in, máy scan nên bạn không nhất thiết phải mua những thứ đó. Còn nếu bạn muốn dùng chúng hàng ngày thì tại sao không chung tiền với một ai đó để chia nhau chi phí cho mực và máy in?

Đừng mua đồ mới

  • Hãy để ý trên khu học xá có các chương trình “freebies” nào không để tham gia – đây là lúc bạn sẽ nhận được các vật dụng cho đời sống hay học tập hoàn toàn miễn phí.
  • Khi tậu những món hàng đắt tiền như xe đạp, đồ đạc hay vật dụng nấu bếp, bạn có thể tiết kiệm hàng đống tiền bằng việc tìm đến các cửa hàng của hội từ thiện hay các khu chợ đồ cũ. Bạn thậm chí còn có thể có được chúng mà không tốn một xu nào nếu tìm đến các trang web freecycling (đổi đồ).
  • Những thứ khác mà bạn có thể mua đồ cũ là các tập lưu trữ giấy tờ, hộp đựng bút, sách…

Luôn cập nhật và sống có tổ chức

  • Dành thời gian lên mạng một cách hiệu quả. Nhận các newsletter và gia nhập vào các nhóm Facebook cũng là cách hay để cập nhật thông tin các chương trình, sự kiện đổi đồ, bán đồ cũ… Khi đăng kí newsletter, bạn cũng có thể nhận những bí quyết sống mạnh khỏe, nấu ăn rẻ tiền và cả những sự kiện thú vị dành cho sinh viên.
  • Nếu muốn mua điện thoại ở Vương quốc Anh, hãy nghiên cứu và so sánh các gói trên mạng trước.
  • Hãy hỏi giáo viên về những nguồn thông tin tham khảo cho sinh viên ở trên internet và thường xuyên mượn sách ở thư viện thay vì mua chúng.
  • Hãy tìm hiểu thông tin kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định tậu một món đồ đắt tiền nào đó. Nếu đọc các quảng cáo trên báo hay trên mạng, bạn có thể biết được khi nào sẽ là thời điểm bắt đầu chương trình giảm giá…
  • Một số cửa hàng, nhà hàng có chương trình tích điểm để nhận khuyến mãi (ví dụ 10 lần sử dụng dịch vụ hay mua hàng sẽ được một lần miễn phí). Hãy để ý về những chương trình kiểu như vậy để tích điểm cho mình. Và nhớ là đừng đăng ký tham gia một chương trình nào đấy mà bạn không thích!
  • Có rất nhiều hình thức mua sắm tiết kiệm, đặc biệt là cho thức ăn – mua vào cuối ngày (khi các mặt hàng đã được giảm giá) hay nấu sẵn.

Tái sử dụng, giảm thiểu, tái chế

  • Nếu “ươm giữ” được tinh thần tái chế là bạn đã thân thiện hơn với cả môi trường và túi tiền của mình. Một ví dụ điển hình – nếu bạn mua cho mình một chai nước bằng nhựa chất lượng tốt hoặc bằng kim loại, cho phép bản thân tự rót nước vào chai,  thay vì mua thức uống trên khu học xá, thì nghĩa là bạn đã tiết kiệm được kha khá rồi.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các flyer, tạp chí hay các sản phẩm bằng tay đã qua sử dụng để sáng tạo nên những chiếc thiệp, giấy gói hay là những món quà nho nhỏ cho bạn bè vào dịp sinh nhật!