“BIẾT NGƯỜI BIẾT TA” TRONG KHÂU SĂN HỌC BỔNG

“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, trong quá trình săn lùng học bổng cũng vậy, bạn phải biết mình muốn gì và cần trau dồi thêm những kỹ năng nào để thỏa mãn yêu cầu cấp học bổng.

Đầu tư vào những học bổng ít người biết

Những học bổng danh tiếng thế giới của các trường Đại học hàng đầu vô cùng danh giá, và cái giá để nhận được chúng cũng rất trầy trật. Vậy tại sao bạn không cho vào tầm ngắm những học bổng ít danh tiếng hơn, đồng nghĩa với khả năng giành được cũng cao hơn.

Hotcourses đang muốn nói tới học bổng chuyên ngành được cấp bởi khoa và trường Đại học. Những học bổng này ít mang tính đại trà hơn và chỉ có những người thực sự quan tâm tới ngành học đó, trường Đại học đó mới biết đến.

Đăng ký học bổng phù hợp với bản thân

Việc đến từ một quốc gia đang phát triển như Việt Nam là rất lí tưởng vì trên thế giới có nhiều học bổng chỉ dành cho sinh viên đến từ Việt Nam, hay rộng hơn, từ khu vực Đông Nam Á hay châu Á. Lợi thế của bạn là có rất nhiều học bổng chỉ dành cho sinh viên các nước đang phát triển, vì thế bạn sẽ không phải cạnh tranh với sinh viên ở các khu vực khác. Ngoài ra, những yếu tố cần xem xét khác là ngành học, độ tuổi, giới tính, cấp học cũng như kinh nghiệm làm việc.

Lưu ý là những học bổng từ các chính phủ (vd: Fulbright của Mỹ, Chevening của Anh hay AusAID của Úc) thường dành cho các nhà lãnh đạo tương lai và đa phần là những người đã từng có kinh nghiệm làm việc. Vì thế, nếu đã xác định cho học bổng X vào tầm ngắm, bạn có thể dành hai năm đi làm sau khi tốt nghiệp đã rồi hãy tính chuyện đăng ký.

Chăm chút cho bộ hồ sơ đăng ký

Các ứng viên xin học bổng thường có thành tích học tập rất cao, vậy nếu bảng điểm của bạn chỉ ở mức “thường thường bậc trung” thì sao? Bạn có thể “tập trung chuyên môn” vào những thành tích ngoài lề như hoạt động Xã hội, kinh nghiệm làm việc hay các cuộc thi chuyên ngành đã từng tham gia chẳng hạn. Chính những chia sẻ trong thư nguyện vọng (cover letter) sẽ làm nên sự khác biệt của mỗi thí sinh.

Ngoài ra bạn cũng cần làm một nghiên cứu nhỏ về những ngành học mà học bổng đó “ưu tiên” phát học bổng, nếu nó phù hợp với ngành học của bạn thì quá tốt. Chỉ cần bạn có một kế hoạch học tập và làm việc cụ thể, xác đáng (và quan trọng là có giá trị phát triển cộng đồng – đối với các học bổng chính phủ) thì khả năng nhận học bổng khá cao.

Tự đánh giá năng lực bản thân

Tự tin là tốt, nhưng bạn cũng cần biết mình có thực sự xứng đáng khi đăng ký một học bổng nào đó (để tránh mất thời gian, công sức và cả hi vọng vào đó). Nếu đó là một học bổng quốc tế, bạn càng cần phải đặt câu hỏi về khả năng của mình vì điểm số và năng lực tư duy khi đó đã vượt khỏi biên giới của một cuộc cạnh tranh cấp quốc gia. Chẳng hạn, đối với những học bổng dành cho sinh viên “xuất chúng”, hoàn cảnh tài chính khiêm tốn của gia đình không phải là điều mà họ quan tâm mà trước nhất vẫn là thành tích học tập.

Để tự đánh giá xem bạn có phù hợp với một học bổng nào không, hãy thử xét qua những yếu tố sau:

  • Bạn phải đến từ quốc gia mà học bổng đang nhắm đến
  • Bạn đạt tiêu chuẩn về tuổi tác mà học bổng yêu cầu
  • Bạn đã tốt nghiệp THPT (nếu đăng ký Cử nhân) hay đã có bằng Cử nhân (nếu đăng ký Thạc sĩ) hoặc bằng Thạc sĩ (nếu đăng ký Tiến sĩ)
  • Trong một số trường hợp, bạn phải được nhà trường hoặc chương trình học chấp thuận cho vào học rồi mới được xét học bổng
  • Bạn đáp ứng đủ yêu cầu ngoại ngữ (TOEFL hay IELTS)
  • Bạn phải quay trở lại đóng góp cho quê hương sau khi tốt nghiệp (đối với học bổng phát triển)
  • Bạn phải chứng tỏ mình có khả năng lãnh đạo và đã từng có kinh nghiệm lãnh đạo ở trường, cơ quan (đối với học bổng lãnh đạo)
  • Bạn phải là người chiến thắng của một cuộc thi (đối với học bổng cấp sau một cuộc thi nào đó)
  • Bạn phải dưới một số tuổi cụ thể (đối với học bổng dành cho giới trẻ)

Cuối cùng, biết mình muốn gì và cần gì cũng là một khâu quan trọng trong quy trình xin học bổng. Chẳng hạn, nếu bạn xác định nhắm vào một học bổng cụ thể thì hãy lên danh sách những yêu cầu, tiêu chuẩn của học bổng đó mà “lên dây cót”. Nếu học bổng đó đã qua hạn đăng ký, đừng nản chí mà nhắm vào năm sau, điều này thậm chí càng có lợi vì bạn sẽ có cơ hội trau dồi thêm kỹ năng tiếng Anh hay các kinh nghiệm yêu cầu trong chỉ tiêu cấp học bổng.