Đối Tượng Nào Cần Phải Chứng Minh Thu Nhập??

Gần đây, số lượng du học sinh ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với đó là việc xét hồ sơ ngày càng trở nên khó khăn. Trong đó, trở ngại lớn nhất ấy là việc không thể giải trình được hồ sơ Chứng minh tài chính. Cũng chính vì những khó khăn này, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc một vài điểm cần lưu ý về hồ sơ chứng minh tài chính, qua đây phần nào cũng giúp tăng khả năng đỗ visa cho một bộ hồ sơ du học.

Hồ sơ Chứng minh tài chính bao gồm 2 phần rõ ràng: một là Sổ tiết kiệm Ngân hàng mang tên người bảo lãnh, hai là Chứng minh thu nhập của người bảo lãnh. Hai phần này tuy riêng biệt nhưng lại bổ sung cho nhau, sổ ngân hàng để chứng minh khả năng chi trả học phí và sinh hoạt phí cho du học sinh theo học ở nước Sở tại, còn phần chứng minh thu nhập là để giải trình nguồn tiền trong Sổ tiết kiệm từ đâu mà có.

Trước hết người viết xin đề cập đến phần chứng minh tài chính (Sổ ngân hàng).

Hầu hết các Sổ ngân hàng dùng cho mục đích du học phải mở khoảng tiền khá lớn, với thời hạn trên sổ từ 6 – 12 tháng, và nên mở từ 5 tháng trước tháng mà bạn đăng ký du học.

Tôi lấy ví dụ nếu bạn đăng ký du học kỳ tháng 1 năm 2014 thì bạn nên mở sổ vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm 2013. Các giấy tờ bạn cần nộp lên cục xuất nhập cảnh gồm: 01 bản photo sổ có đóng dấu đỏ của ngân hàng và 01 bản xác nhận số dư gốc tại thời điểm mở sổ. Thông thường chỉ cần bấy nhiêu giấy tờ đó là đã hoàn tất việc giải trình Sổ tiết kiệm của người bảo lãnh. Tuy nhiên, tùy từng Cục xuất nhập cảnh của từng khu vực ở nước mà bạn muốn học mà họ có thêm các yêu cầu khác về sổ tiết kiệm.

Bạn nghĩ sao nếu sau 3 tháng mở sổ, Cục xuất nhập cảnh yêu cầu bạn cung cấp thêm 1 bản xác nhận số dư sổ tiết kiệm đứng tên người bảo lãnh của bạn? Sẽ ra sao nếu sổ tiết kiệm ấy không còn tồn tại ở Ngân hàng? Rủi ro ở đây là gì? Chắc hẳn ai cũng nhìn thấy, đó là: tỉ lệ trượt Visa lên đến 90%, 10% còn lại phụ thuộc vào may mắn của bạn.

Vậy điều khác biệt cần chú ý về hồ sơ chứng minh tài chính cho những tháng du học từ năm 2014 là bạn cần duy trì sổ tiết kiệm của người bảo lãnh cho bạn, bằng việc trả lãi cho Ngân hàng để đảm bảo rằng Ngân hàng sẽ luôn giữ sổ cho bạn. Đồng nghĩa với việc số tiền vài trăm triệu đó luôn luôn tồn tại, và bạn muốn xin xác nhận số dư bất cứ khi nào trong thời hạn bạn đang duy trì sổ. Để an toàn cho hồ sơ bạn nên duy trì sổ khoảng 4 tháng sau ngày mở.

Thứ hai, về việc chứng minh thu nhập – lý giải nguồn tiền trong sổ tiết kiệm từ thu nhập hàng tháng của người bảo lãnh. Bạn cần phải lưu ý rằng, trên giấy tờ chứng minh thu nhập cần phải trình bày rõ ràng, sử dụng những form mẫu chuẩn của nhà nước, bao gồm các thông tin sau:

Thông tin về công ty – nơi người bảo lãnh công tác

- Tên Công ty:
- Địa chỉ công ty:
- Ngành nghề kinh doanh:
- Số điện thoại (lưu ý ghi chính xác số điện thoại Công ty thường xuyên sử dụng và luôn có người nghe máy, nhiều trường hợp Cục xuất nhập cảnh gọi về số điện thoại Công ty nhưng không ai bắt máy thì hồ sơ cũng bị đánh trượt vì họ nghi ngờ số điện thoại không có thực)


Thông tin về người bảo lãnh

- Họ tên
- Số CMTND, ngày cấp, nơi cấp
- Ngày tháng năm sinh
- Địa chỉ thường trú
- Thông tin về thời gian làm việc:
- Thời gian bắt đầu vào làm
- Chức vụ, phòng ban
- Nội dung công việc chuyên môn
- Mức lương qua các năm