Hotline: 090.246.3245
Gọi ngay
Một trong những cách nhanh chóng để hòa nhập và kết bạn ở nước ngoài là thông qua các bộ môn thể thao. Nelson Mandela đã từng nói, ‘Sport unites people in a way that politics never can’ vì ông nhận ra rằng thể thao có khả năng kết nối con người theo một cách đặc biệt mà không tư tưởng chính trị nào làm được. Chính vì lý do đó, việc biết chơi những môn thể thao được yêu thích tại đất nước bạn có ý định du học sẽ giúp bạn dễ gần gũi hơn với những người bản xứ. Chúng ta cùng điểm qua những bộ môn thể thao nổi bật của một số quốc gia phổ biến dưới đây nhé.
Thể thao gắn liền với người dân nước Úc như “hơi thở” ngay từ thời khai hoang và lập quốc. Những môn thể thao như bóng gậy cricket, bóng bầu dục và bóng đá luôn nằm trong danh sách các bộ môn được xem và chơi nhiều nhất tại đất nước chuột túi.
Lịch sử thể thao nước Úc được ghi dấu bằng những câu chuyện và thời khắc chiến thắng lẫy lừng. Các giải đấu như Ashes, Melbourne Cup và America’s Cup đã góp phần tạo nên bản sắc dân tộc Úc bên cạnh thành công ở Thế vận hội Olympics, Thế vận hội Paralympics và Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung (the Commonwealth Games).
Khúc côn cầu trên băng được xem là môn yêu thích nhất ở xứ sở lá phong, phần nào cũng phản ánh tiết trời lạnh giá rất đặc trưng của đất nước Canada. Người dân Canada còn gặt hái nhiều thành công trong bộ môn bóng vợt (lacrosse), bóng bầu dục Canada, bóng đá, ném tạ trên băng (curling) và bóng chày.
Văn hoá Trung Quốc từ lâu đã gắn bó với các loại hình võ thuật nhưng thông qua những kì thế vận hội, người Trung Quốc còn trở thành “fan hâm mộ” của nhiều môn thể thao khác. Bóng rổ, bóng đá, bóng bàn và bóng chuyền là những môn thể thao thu hút người xem và người chơi nhiều nhất tại quốc gia này.
Như hầu hết các nước châu Âu khác, bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Pháp khi nền bóng đá quốc gia này sở hữu trên dưới 2,000,000 cầu thủ chuyên nghiệp. Pháp còn được nhắc đến nhiều với bóng bầu dục, đua xe và dĩ nhiên không thể thiếu đạp xe địa hình. Tour de France - giải đua xe đạp danh tiếng bậc nhất thế giới đã là cái tên quá quen thuộc ngay cả với những người không quan tâm đến thể thao.
Môn thể thao được yêu thích nhất ở Đức (tất nhiên, hẳn nhiên và tuyệt nhiên) là bóng đá. Nước Đức từng mang về bốn chiến thắng ở giải vô địch bóng đá thế giới (FIFA World Cup) trong lúc đội tuyển FC Bayern Munich trở thành một trong những câu lạc bộ mạnh nhất thế giới.
Ngoài ra, người Đức vẫn ưu chuộng các loại hình thể khác bao gồm khúc côn cầu trên băng, bóng rổ, bóng ném, đua xe và quần vợt. Đức còn là một trong những quốc gia có nền thể thao thành công nhất mọi thời đại vì được xếp hạng ba trong tổng số huy chương Olympics và sở hữu khoảng 100,000 câu lạc bộ thể thao.
Cricket là môn thể thao thịnh hành nhất ở Ấn Độ trong khi bóng đá, khúc côn cầu, cầu lông và quần vợt có mức độ phổ biến tuỳ theo vùng miền. Kabaddi là một môn thể thao đồng đội bắt nguồn từ Ấn Độ. Trong bộ môn này, các thành viên muốn ghi điểm phải tấn công vào sân của đối phương và chạm vào càng nhiều đối thủ càng tốt mà không để bị bắt.
Những năm gần đây, thể thao Nhật Bản là sự kết hợp giữa những cuộc thi đấu Châu Á truyền thống và các bộ môn hiện đại từ phương Tây. Sumo, judo, karate và kendo vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản và có vai trò quan trọng trong nền văn hoá của đất nước này. Thời gian sau, bóng chày và bóng đá cũng dần trở nên gần gũi hơn với người dân đất nước mặt trời mọc.
Quá trình tập luyện sumo hay karate tiêu tốn không ít thời gian nên sẽ dễ dàng hơn cho bạn khi hòa nhập vào văn hoá Nhật Bản thông qua bộ môn bóng chày và bóng đá.
Có khoảng 35,000 câu lạc bộ thể thao tại Hà Lan với hơn một phần tư dân số đăng kí luyện tập. Gần hai phần ba giới trẻ (độ tuổi trên mười lăm) chơi thể thao ít nhất một lần mỗi tuần. Nói tóm gọn thì Hà Lan là một quốc gia yêu thể thao.
Nếu bóng đá luôn được ưu ái nhất thì các môn khúc côn cầu, bóng chuyền, quần vợt, thể hình và đánh gôn cũng đang được dân Hà Lan chơi ngày một nhiều hơn. Hà Lan còn có nhiều môn thể thao địa phương như fierljeppen (nhảy sào qua sông), klootschieten (tương tự như ném tạ) hoặc korfball (kết hợp giữa bóng lưới và bóng rổ).
Thuỵ Điển luôn được biết đến là một quốc gia năng động với ước tính khoảng một nửa dân số dành thời gian rảnh để chơi thể thao. Môn thể thao được ưu chuộng nhất ở đây là bóng ném, bóng đá, đánh gôn, thể hình và thể dục dụng cụ. Bên cạnh đó, khúc côn cầu trên băng, bóng rổ và quần vợt cũng có sự nổi tiếng không hề “kém cạnh” chút nào.
Các môn thể thao ở Thụy Điển đặc biệt thường tận dụng khí hậu đặc trưng như chèo thuyền kayak, chèo ca-nô, lặn, leo núi, câu cá và săn bắn. Có thể sẽ không phù hợp với những người “yếu tim” nhưng đảm bảo các môn thể thao trên sẽ giúp bạn tìm được vài người bạn “cực chất” đấy!
Cũng như Nhật Bản, thể thao ở Thái là sự pha trộn giữa các sự kiện địa phương truyền thống và những trò chơi phổ biến ở Tây phương. Một ví dụ điển hình là Muay Thái – môn quốc võ tương tự như đấm bốc cộng với bóng đá.
Thái Lan còn được xem là“thiên đường chơi golf” của Châu Á với hơn 200 sân gôn đẳng cấp thế giới. Thái Lan cũng thu hút các tay golf toàn cầu đến với giải đấu PGA và LPGA.
Nước Anh là cái nôi của golf, bóng đá, bóng bầu dục, quần vợt, cricket, cầu lông và vô số các môn thể thao khác trước khi chúng phổ biến khắp nơi trên thế giới. Có vô số lựa chọn để luyện tập loại hình thể thao bạn yêu thích tại Anh, từ những môn phổ biến đến những trò hiếm gặp!
Nước Anh luôn tự hào về truyền thống thể thao tuyệt vời cùng với nhiều huy chương vàng trong những kì thế vận hội. Tuy vậy, nếu bạn đang tìm kiếm loại hình thể thao dễ hiểu, dễ chơi thì bóng đá là một lựa chọn lí tưởng. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các câu lạc bộ và sân thể thao ở mọi miền đất nước và tất nhiên có cả giải đấu Premier League khiến hàng triệu người khắp thế giới theo dõi mỗi tuần.
Không ít người nói rằng thể thao Mỹ hiện nay đang có sự chuyển mình. Trong khi môn bóng bầu dục, bóng rổ và bóng ném truyền thống vẫn nắm giữ được vị thế của mình thì môn khúc côn cầu và bóng đá đang dần được giới trẻ vô cùng ưa chuộng hơn.
Tương tự như Trung Quốc và Anh, dân Mỹ cũng có nhiều thành công trong làng thể thao thế giới. Thực sự thì bất kể bạn có quan tâm đến bộ môn nào đi nữa thì đều có thể dễ dàng tìm thấy những câu lạc bộ có những người bạn cùng sở thích tại Mỹ.
Những gợi ý trên là các môn thể thao điển hình ở từng quốc gia để bạn có thể hình dung mình có thể ‘chơi’ gì ở xứ người. Tuy vậy, bộ môn nào phù hợp với bạn còn tuỳ thuộc vào kinh nghiệm, thành tích và mục tiêu bản thân. Nếu bạn vẫn cảm thấy bối rối thì cứ thử hết mọi môn thể thao thì chắc chắn cũng tìm ra một bộ môn phù hợp với sở thích của mình.