Hotline: 090.246.3245
Gọi ngay
Hồng Minh (thứ hai từ trái qua) cùng giáo sư hướng dẫn tiến sĩ và nhóm làm việc tại Cơ sở nghiên cứu Vật lý thiên văn năng lượng cao và Vũ trụ học tại Paris - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Sau 10 tháng du học, Minh hoàn thành chương trình và bắt đầu làm tiến sĩ vào tháng 9 này khi mới 23 tuổi.
Con đường của Hồng Minh không còn quá xa lạ trong giới sinh viên vì cơ hội du học sau ĐH đang trở nên rộng mở khi những bạn trẻ hiện nay có trong tay chìa khóa hỗ trợ đắc lực bên cạnh chuyên môn: tiếng Anh chuyên ngành.
* Để xin học bổng du học thạc sĩ, Minh đã chuẩn bị gì và từ khi nào?
- Nếu đã xác định sẽ đi du học thì hãy bắt đầu học ngoại ngay từ năm thứ nhất đại học. Vừa nhận được tin đậu đại học, mình bắt tay ngay vào học Anh văn.
Các bạn nên đặt ra mục tiêu rõ ràng: kết thúc hai năm đại cương là phải có trong tay chứng chỉ ngoại ngữ (như IELTS trên 6.5 hoặc TOEFL trên 90). Bên cạnh kỹ năng tiếng Anh thường thức, chúng ta cũng nên bắt đầu quan tâm tiếng Anh chuyên ngành.
Khi bắt đầu môn học mới, giảng viên sẽ điểm qua một vài giáo trình hay. Nếu bạn cảm thấy thích thú với môn học đó, hãy chọn ra một đầu sách của tác giả nước ngoài để đọc. Việc này sẽ hỗ trợ rất nhiều không chỉ giúp nắm bắt kiến thức tốt hơn mà còn cải thiện kỹ năng đọc, viết tiếng Anh.
Nhờ thói quen này từ những năm đại học mình học được rất nhiều từ vựng, cấu trúc câu phổ biến trong các văn bản mang tính hàn lâm. Hiện tại, nó vẫn còn hữu ích cho mình mỗi khi cần viết báo cáo.
* Trong hàng loạt trường ĐH ở Pháp, Minh làm sao để tìm và chọn nơi có thể trao học bổng cho mình?
- Mình chọn Pháp vì đây là nơi có chi phí sống thấp, học nhanh, có hoạt động mạnh mẽ trong nghiên cứu hạt cơ bản - lĩnh vực mình muốn theo đuổi và có máy gia tốc lớn nhất thế giới.
Mình nộp 3 nơi và được nhận ở 3 nơi, bao gồm: François Rabelais University, Aix-Marseille University và University Paris Diderot (Paris 7). Cuối cùng, Minh chọn Paris 7. Sang tháng 9 này, mình sẽ bắt đầu làm tiến sĩ tại một cơ sở nghiên cứu của Paris 7.
Chương trình mình đăng ký dự tuyển chưa từng nhận sinh viên Việt Nam. Mình chỉ nhớ có một anh khóa trên từng nộp đơn nhưng họ không nhận, nên mình quyết định nộp thử.
Mình cho rằng thông tin học bổng tốt nhất đến từ du học sinh, các bạn nên tìm các anh chị đi trước cùng chuyên ngành để hỏi thăm.
* Ngoài tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung, sinh viên cần chuẩn bị gì cho mục tiêu du học sau ĐH?
- Ngoài việc học tập chăm chỉ, có phương pháp và kỹ năng trong môi trường đại học, các bạn có thể bổ sung thêm kiến thức chuyên ngành bằng các khóa học hay chương trình trao đổi ngắn hạn được tổ chức bởi các học viện trong và ngoài nước.
Đó cũng chính là những cơ hội tuyệt vời cho các bạn gặp và làm quen với các giáo sư đầu ngành cũng như tìm hiểu thêm thông tin học bổng từ các bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới.
Lúc còn học đại học, mình có được tham gia 2 chương trình là PPSSEA (Particle physics school in South-East Asia, tạm dịch là lớp học Vật lý Hạt cơ bản khu vực Đông Nam Á) và lớp học Sakura (chương trình trao đổi 2 tuần ở KEK-Trung tâm nghiên cứu Hạt cơ bản ở Nhật).
Nhờ các cơ hội này mà mình làm quen được với một vài giáo sư người Nhật. Về sau khi xin học bổng cả thạc sĩ và tiến sĩ đều nhờ các thầy viết thư giới thiệu.
Có một lưu ý nho nhỏ là các chương trình ngắn hạn như vậy đa số là miễn phí thậm chí có khi bạn còn được cấp một khoản sinh hoạt phí nho nhỏ.
* Vì sao Minh có thể hoàn thành chương trình thạc sĩ trong 10 tháng?
- Chương trình thạc sĩ ở Pháp vẫn 2 năm như ở các nước nhưng chương trình ĐH ở Pháp chỉ kéo dài 3 năm. Bằng cử nhân ở Việt Nam có thể xem tương đương thạc sĩ năm nhất ở Pháp.
Tuy nhiên, một số chương trình ở Pháp có thể không thừa nhận sự tương đương này, đặc biệt nếu trường ĐH của bạn tại VN chưa từng có liên kết với trường ở Pháp.
Như vậy, phải chứng minh cho họ thấy bạn đủ khả năng học thẳng chương trình thạc sĩ năm 2, khi đó khóa luận bằng tiếng Anh sẽ phát huy tác dụng.
Vì vậy, các bạn nên chuẩn bị sẵn một bản khóa luận bằng tiếng Anh trước khi muốn bắt tay vào nộp hồ sơ xin học bổng. Khóa luận tốt nghiệp có thể là một công cụ hữu hiệu cho "công cuộc xin xỏ" của bạn vì nó phần nào thể hiện năng lực học tập, nghiên cứu cũng như đam mê của bạn.
Đây như là CV thứ hai mình thường đính kèm trong email để ban xét duyệt học bổng hiểu rõ hơn về mình, đánh giá đúng trình độ và nền tảng kiến thức của mình. Với "chiêu" này, mình đã xin miễn thạc sĩ năm thứ nhất ở Pháp và được học thẳng năm thứ hai.