Hotline: 090.246.3245
Gọi ngay
Thực tế thì kinh tế học và quản trị kinh doanh thường đưa bạn đến những lựa chọn nghề nghiệp khá tương đồng dù có thể chương trình học với các tên môn học giống hệt nhau nhưng cách tiếp cận và nội dung học tập lại hoàn toàn khác nhau. Nếu nói học kinh doanh là học cách kinh doanh, kinh tế là ra làm chuyên gia tư vấn và học quản trị kinh doanh là để quản lý doanh nghiệp thì quá "bao quát" và có phần thiếu chính xác nhưng phần nào giúp bạn hiểu được sự khác nhau cơ bản nhất giữa các ngành học này. Bạn có thể đọc bài viết Phân biệt Kinh doanh, Quản trị Kinh doanh và Kinh tế để tìm hiểu chi tiết hơn.
Những gợi ý dưới đây chỉ mang tính tham khảo dựa trên một số đánh giá về tính cách. Còn để quyết định theo đuổi một ngành học hay chương trình học nào đó, có thể bạn sẽ phải cân nhắc và tính toán nhiều yếu tố khác như sở thích, các mối quan hệ, tiềm năng nghề nghiệp… Bạn có thể đọc thêm các bài viết về chọn ngành vàchọn trường khi đi du học để tham khảo thêm.
Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất để tự vấn bản thân là: “Tôi là người muốn nhìn một bức tranh tổng thể hay chú trọng vào từng chi tiết nhỏ?” Nếu muốn một cái nhìn tổng quát, hay nói cách khác, hiểu biết tường tận cách thức hoạt động của toàn bộ nền kinh tế, bạn sẽ phù hợp hơn với chuyên ngành kinh tế hơn là kinh doanh.
Ngược lại, nếu thích thú và quan tâm đến việc quản lý một doanh nghiệp, cách làm việc và vận hành của một công ty, quản trị kinh doanh có thể sẽ phù hợp với bạn. Tất nhiên, dù chọn học kinh tế hay kinh doanh, 2 kỹ năng nhìn nhận tổng quát và tập trung vào chi tiết đều cần thiết.
Bạn là kiểu người thích áp dụng lý thuyết hay muốn thực hành và rút ra bài học? Những nhà kinh tế thường phải làm việc với vô vàn số liệu để đặt giả thiết nền móng cho các lý thuyết kinh tế. Kết quả họ đưa ra trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau sẽ khiến nhiều người phải bất ngờ, nhưng không mấy hấp dẫn với những người không quan tâm đến chủ đề đó.
Trong khi đó, những người học quản trị kinh doanh sẽ dành phần lớn thời gian cho các công việc mang tính thực tiễn, chẳng hạn như tìm cách giải quyết một vấn đề hóc búa của doanh nghiệp, hoặc cải thiện hoạt động của công ty hiệu quả hơn.
Đôi khi, bạn sẽ nhận thấy rằng các chính sách kinh tế thường được quyết định bởi chính trị gia, những người không chú trọng đến việc liệu mô hình kinh tế có thực sự hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Đây là sự thật đáng buồn và mất lòng khi học kinh tế.
Học kinh tế, bạn có thể nhìn thấy cách giải quyết các vấn đề hiện nay của nền kinh tế một cách dễ dàng, nhưng sẽ khá khó khăn để biến những gì bạn biết và mong muốn thành hành động. Trong khi đó, những người tốt nghiệp quản trị kinh doanh có cơ hội mang lại những ảnh hưởng thực thụ, dù chỉ trong phạm vi nhỏ của công ty hay doanh nghiệp mình.
Tại Mỹ, quản trị kinh doanh là ngành học được lựa chọn nhiều nhất, chính vì vậy cũng là ngành học cạnh tranh nhất. Rất ít hi vọng một tấm bằng quản trị kinh doanh sẽ giúp bạn lọt vào danh sách của công ty trong bảng xếp hạng Fortune 100 ngay chỉ khi mới tốt nghiệp.
Thực tế thì hầu hết các sinh viên quản trị kinh doanh sẽ trải qua 5 đến 9 vị trí khác nhau hay chuyển nghề trước khi tìm được một vị trí thực sự hợp với mình. Trong khi sinh viên tốt nghiệp kinh tế thường có con đường nghề nghiệp ít thay đổi và ổn định hơn.
Vấn đề lớn nhất với người học kinh tế là kiến thức quá rộng lớn cùng nhiều lý thuyết. Ngành học này đem lại ít kỹ năng có thể áp dụng ngay trong công việc hàng ngày. Trong khi đó ngành quản trị kinh doanh cho bạn những kiến thức cần có để áp dụng luôn vào việc vận hành một doanh nghiệp. Tuy vậy, bất cứ ai đã có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp đều khuyên rằng việc học tập trên giảng đường không chuẩn bị được nhiều điều giúp bạn điều hành công việc kinh doanh. Bạn sẽ phải học cả trong quá trình làm việc.
Nếu bạn muốn một nghề nghiệp rõ ràng thì hãy chọn marketing, kế toán hay tài chính, nhưng nếu muốn quản trị một doanh nghiệp hoặc muốn có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi ra trường thì hãy chọn quản trị kinh doanh. Bạn có thể lựa chọn học một trong hai ngành này ở bậc đại học và ngành còn lại ở bậc cao học sau khi biết rõ mình thích hoặc phù hợp với ngành học nào hơn.
Tùy trường đại học quốc tế mà có những yêu cầu khác nhau về bậc học cao học. Thường những trường có ranking cao sẽ có yêu cầu khắt khe về sự nhất quán của bằng đại học với chương trình cao học nhưng trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế có nhiều sự tương đồng và ảnh hưởng lẫn nhau như đã nêu ở phần định nghĩa trên thì việc học “chéo” là rất phổ biến.
Tuy nhiên có lưu ý là thường những khóa học quản trị kinh doanh, yêu cầu đầu vào bậc cao học sẽ thường đòi hỏi kinh nghiệm làm việc. Nếu quan tâm tới việc học cao học quản trị kinh doanh, bạn có thể tham khảo bài viết về MBA là gì hay học MBA hay MSc Kinh tế.
Trong khi học quản trị kinh doanh là học cách quản lý một doanh nghiệp hay tổ chức bất kể là thuộc lĩnh vực gì và ở quy mô nào hay giới hạn địa lý nào thì học kinh tế đối ngoại là học làm kinh tế trong môi trường quốc tế. Có nghĩa là bạn sẽ học về hệ thống kinh tế quốc tế gồm Kinh tế học quốc tế, Thương mại và kinh doanh quốc tế, Tài chính quốc tế và các kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu trong các lĩnh vực trên. Có thể nói đây là 2 ngành học rất khác nhau. Những người đặt câu hỏi này có lẽ băn khoăn về việc học ngành này dễ hay khó hay ngành nào ra tìm việc dễ hơn thay vì hiểu sự khác nhau về việc học 2 ngành này.