Hotline: 090.246.3245
Gọi ngay
Bên cạnh những suất học bổng du học tại các nước châu Âu, du học tự túc tại các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản, đang thu hút nhiều bạn trẻ Việt.
Làm thế nào để thành công khi du học tự túc? Dưới đây là chia sẻ của các du học sinh tự túc tại Nhật Bản.
Đảm bảo nguồn tài chính - điều kiện tiên quyết
Quyết tâm du học Nhật Bản để trau dồi và củng cố thêm vốn Nhật ngữ, Lưu Thành Đạt - sinh viên năm thứ tư ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH FPT TP.HCM, đã xin bảo lưu kết quả học tập và lên đường.
“Theo mình thấy, để chuyên tâm vào việc học, trước tiên bản thân du học sinh và gia đình phải đảm bảo nguồn tài chính", Đạt chia sẻ.
"Mình có quen khá nhiều người, thời gian làm thêm của họ gấp nhiều lần so với thời gian học do phải chịu áp lực về tiền bạc như chi phí học tập, sinh hoạt hàng ngày và khoản vay nợ ở Việt Nam để đi du học. Đa phần họ đều không đảm bảo được thời gian học tập, nhanh chóng chán nản và bị cuốn vào guồng quay công việc", Đạt thêm.
Đạt cho biết tháng thứ hai sau khi sang Nhật, anh cũng đi làm thêm để tự trang trải một phần chi phí sinh hoạt, nhưng vẫn tập trung cho việc học "vì nó có liên quan trực tiếp đến công việc trong tương lai".
Theo quan sát của anh, du học sinh Việt Nam ở Nhật đa phần đều đi làm thêm, cứ người đến trước giới thiệu việc làm cho người đến sau. Công việc cụ thể và mức lương thường tùy thuộc vào trình độ tiếng Nhật hoặc tiếng Anh của mỗi người.
Không vội vàng đi khi chưa chuẩn bị kỹ
Tốt nghiệp ĐH Luật TP.HCM nhưng không cảm thấy mặn mà với ngành đã học, Trần Hữu Thành (sinh năm 1992) quyết định tìm cho mình một hướng đi mới bằng việc du học tự túc tại Nhật Bản.
"Mình tìm đến trung tâm hỗ trợ du học Nhật Bản uy tín ở TP.HCM để được tư vấn, đồng thời đăng ký học thêm tiếng Nhật. Mình đặt mục tiêu trong 1 tháng phải cố gắng vừa hoàn tất hồ sơ du học vừa lo 'cày' tiếng Nhật để đẩy tiến độ đi nhanh nhất có thể", Thành nhớ lại.
Khi đến Nhật, Thành hối hận vì quyết định đi du học quá vội vàng của mình. “Với trình độ ở mức N5 (trình độ thấp nhất trong tiếng Nhật), thời gian đầu ở Nhật mình giống như một người vừa câm vừa điếc, thậm chí vừa mù chữ.
Đa phần người Nhật nói và viết bằng hán tự, trong khi mình mới chỉ bập bẹ được vài câu cơ bản. Lúc ấy mình chỉ ước rằng: giá như trước khi đi, mình đạt tới trình độ N3 thì có lẽ sẽ hòa nhập tốt hơn, mình cũng không phải dở khóc, dở cười khi lần đầu tiên đi siêu thị mua chai dầu ăn lại mua nhầm chai giấm.
Sau 2 năm tập trung học tiếng Nhật và làm việc, mình đã học hỏi và ngộ ra rất nhiều điều, nhất là trong khâu chuẩn bị hành trang du học”, Thành nói.
Làm bạn với người trung niên
Mong muốn tìm kiếm cơ hội và trải nghiệm mới cho bản thân, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh thương mại tại ĐH Văn Lang, Nguyễn Hồng Phấn (sinh năm 1993) cũng quyết định du học tự túc tại Nhật Bản. Nhưng cô gặp không ít trở ngại trong thời gian đầu đến đây.
"Trước khi đi du học, mình có học thêm 3 tháng tiếng Nhật, nhưng qua tới đó mình quên gần hết và phải học lại từ đầu như em bé. Nhưng mình may mắn vì biết tiếng Anh nên cũng tương đối ổn khi giao tiếp.
Trong trường hợp người đối diện không hiểu, mình sẽ tìm cách diễn tả hoặc lên mạng tìm hình ảnh của địa điểm muốn đến, sách muốn mua…rồi đưa cho họ xem và nói thêm những từ tiếng Nhật mà mình biết. Cách này khá hiệu quả đối với mình trong nhiều trường hợp”, Phấn chia sẻ.
Cô cũng "bật mí": “Thời gian đầu, vì chỉ giao tiếp nhiều bằng tiếng Anh nên mình quen thân với các bạn ngoại quốc hơn. Mỗi ngày mình và họ đều cố gắng luyện tập, trao đổi với nhau bằng tiếng Nhật, cứ vậy mà tiến bộ hẳn lên.
Bạn bè người Nhật của mình đa phần thuộc lứa tuổi trung niên, họ làm việc trong trường học hoặc các siêu thị gần nơi mình sống. Họ rất thân thiện và thích giúp đỡ người khác, nhờ vậy mà mình hòa hợp với cuộc sống ở Nhật khá dễ dàng.
Khó khăn lớn nhất của mình là việc đi lại, bởi hệ thống tàu điện ở Nhật rất kinh khủng. Hồi mới qua, vì không biết cách tra tàu điện nên mình bị lạc hoài. Sau đó mình bắt đầu học thuộc một số tên ga tàu để hỏi thăm cho thuận tiện”.