DU HỌC NGÀNH XÃ HỘI HỌC VÀ TRUYỀN THÔNG

Bạn sẽ học gì trong ngành Xã hội học và Truyền thông? Tại sao ngành học này càng ngày càng phổ biến? Đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về ngành nhé.

Khái quát ngành Xã hội học và Truyền thông

Xã hội học và Truyền thông bao gồm hai phần “Xã hội học” và “Truyền thông”. Chúng ta lần lượt tìm hiểu hai khái niệm này.

“Xã hội học” nói một cách đơn giản là lĩnh vực chuyên nghiên cứu  về mọi khía cạnh của xã hội loài người như ngôn ngữ, hành vi, các tệ nạn, xu hướng, cách suy nghĩ, vân vân. 

“Truyền thông” bao gồm các phương tiện thông tin giải trí như truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử, báo chí và mạng internet. Những loại hình truyền thông này đang hàng ngày tạo ra những thay đổi trong xã hội theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Hành vi và suy nghĩ của chúng ta hiện đang bị sự chi phối rất lớn bởi truyền thông. Mỗi cá nhân cần tự trang bị cho mình những kĩ năng sử dụng các phương tiện truyền thông một cách đúng đắn để có thể tỉnh táo trước biển thông tin thượng vàng hạ cám do truyền thông mang lại.

Tại sao nên học ngành Xã hội học và Truyền thông?

Xã hội học và Truyền thông là một ngành học thời thượng vì người học phải luôn tự cập nhật để bắt kịp những xu hướng và sự phát triển của xã hội. Do đó kiến thức của ngành thường có chiều hướng thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể để phù hợp với thời thế. Chẳng hạn như cách chúng ta liên lạc với nhau, khối lượng áp lực công việc chúng ta phải chịu hoặc những hành vi của chúng ta đã thay đổi rất nhiều so với thời xưa. Nếu bạn là người thích sự mới lạ và có khả năng thích nghi với sự thay đổi thì đây chính là ngành học phù hợp với bạn.

Ngành Truyền thông luôn ẩn chứa nhiều thử thách và thú vị. Nhiệm vụ của bạn là làm sao để mọi người mở mạng, bật tivi mỗi ngày theo dõi những nội dung bạn tạo ra mà không thấy chán. Bạn sẽ ít khi cảm thấy buồn chán khi làm việc trong lĩnh vực này vì mỗi ngày bạn đều phải nghĩ ra những cái mới.

Những con đường phát triển sự nghiệp liên quan đến truyền thông xã hội khá rộng mở, có thể kể đến như quan hệ công chúng, quảng cáo và báo chí. Tất cả các công việc trên đều đòi hỏi sự trau chuốt, sáng tạo không ngừng và ý tưởng độc đáo (hoặc có thể chính truyền thông đã khiến chúng ta tin như vậy). Chính vì những thử thách và hào nhoáng đó nên các khóa học đào tạo thuộc ngành Xã hội học và Truyền thông ngày càng được các bạn trẻ quan tâm và dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Trong tương lai, ngành Xã hội học và Truyền thông sẽ ngày càng cải tiến với nhiều cách tiếp cận khác nên chắc chắn bạn sẽ có nhiều cơ hội thỏa sức sáng tạo và học thêm nhiều điều mới.

Ngành Xã hội học và Truyền thông còn giúp bạn trau dồi các kĩ năng như viết, thuyết trình, phân tích, làm việc nhóm mà bạn hoàn toàn có thể ứng dụng vào bất kì ngành nghề nào khác.

Những ai sẽ học tốt ngành Xã hội học và Truyền thông?

Truyền thông không dành cho những ai chỉ thích xem tivi đơn thuần mà là dành cho những người có thể nhận ra được thông điệp vô hình ẩn đằng sau lớp vỏ nội dung đó. Những người thường xuyên thắc mắc về những vấn đề của xã hội và luôn đặt nghi vấn với bất kì nguồn thông tin nào họ tiếp nhận sẽ thấy ngành học này cực kì thú vị và đầy thử thách. Họ sẽ có cơ hội đào sâu để hiểu rõ những điều mình luôn trăn trở bấy lâu.

Càng nhiều bạn chọn ngành Xã hội học và Truyền thông thì mức độ cạnh tranh trong ngành càng lớn. Ngoài kết quả học tập thật sự nổi bật, bạn phải luôn có sáng kiến mới và chủ động giành lấy các cơ hội làm việc để có kinh nghiệm thực tế thì mới đủ sức cạnh tranh. Hơn nữa, để dễ dàng có được công việc, bạn nên xây dựng cho mình một mạng lưới các mối quan hệ xã hội. Kinh nghiệm và các mối quan hệ sẽ giúp bạn có được những công việc đủ thử thách để bạn nâng cao tay nghề. Những người quảng giao, chăm chỉ sẽ có cơ hội thành công cao hơn khi học ngành này.

Ngoài ra, ngành học cũng rất phù hợp với các bạn thích tìm hiểu về hành vi của con người. Ngành học sẽ giúp bạn có được cái nhìn bao quát về toàn xã hội với con người là nhân vật trung tâm. Các vấn đề xã hội mang tính thời đại như phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới luôn được nhắc đến trong ngành. Chỉ những ai cảm thấy thoải mái khi đề cập đến các vấn đề nhạy cảm và nhiều tranh cãi thì mới phù hợp với môi trường cởi mở của ngành.

  

Yều cầu để học ngành Xã hội học và Truyền thông?

Xã hội học và Truyền thông có nhiều chuyên ngành nhỏ nên yêu cầu cho từng chuyên ngành sẽ khác nhau. Kĩ năng đọc và viết Tiếng Anh tốt sẽ giúp bạn rất nhiều.

Bạn nên thường xuyên kiểm tra yêu cầu đầu vào của từng khóa học cụ thể của mỗi trường đại học.

Những khóa học nào bạn có thể chọn?

  • Nhân học

  • Kinh tế học

  • Điện ảnh và Truyền hình

  • Địa lý nhân học

  • Báo chí

  • Thư viện học

  • Ngôn ngữ học

  • Truyền thông

  • Nhiếp ảnh

  • Chính trị

  • Khoa học xã hội

  • Công tác xã hội

  • Xã hội học

  • Viết lách

Bạn có thể làm công việc gì với bằng Xã hội học và Truyền thông?

Điều này phụ thuộc vào khóa học bạn chọn. Dựa vào các khóa học kể trên, đây là một số gợi ý về lựa chọn nghề nghiệp cho bạn:

  • Nhà nhân học

  • Nhà sản xuất

  • Đạo diễn

  • Biên kịch truyền hình

  • Phóng viên

  • Thủ thư

  • Nhiếp ảnh gia

  • Chuyên viên truyền thông

  • Chính trị gia