8 BÍ QUYẾT SỐNG TIẾT KIỆM KIỂU DU HỌC SINH

Tác giả Beth (Wayfaring) là một du học sinh Indonesia đã từng du học tại Đài Loan. Nếu bạn cũng là một sinh viên sống trong khu học xá (chia căn hộ với những người bạn khác), không tự túc nấu ăn và vẫn còn phụ thuộc tài chính vào gia đình thì có thể bài viết này sẽ mang lại cho bạn những lời khuyên hữu ích để tiết kiệm hầu bao.

1) Quyết định “ở đâu” và “lúc nào”

Lựa chọn điểm đến và tìm hiểu về thời điểm thích hợp để đến đó là lời khuyên đầu tiên mà Beth dành cho những sinh viên có kế hoạch đi du lịch. Hãy “nghiên cứu” thông tin để biết bạn nên đến đó vào tháng một hay tháng sáu chẳng hạn - vì mỗi mùa có thể sẽ có một mức giá khác nhau. Theo kinh nghiệm của tác giả thì một người cần để dành ít nhất từ bốn đến sá tháng trước khi lên đường. Như vậy, khi vừa bắt đầu học kì bạn đã có thể nghĩ về chuyến đi của mình rồi.

Sau khi đã biết được nơi mình muốn đi, bạn hãy nghĩ đến vấn đề “khi nào”. Hãy chắc chắn rằng ngày mà bạn muốn đi không trùng với thời khóa biểu hay các sự kiện của trường Đại học. Beth luôn kiểm tra lịch học rồi mới lên lịch trình.

Thông thường các trường Đại học thường cung cấp thông tin này trên mạng Internet, hoặc không bạn cũng có thể hỏi giáo viên hay các nhân viên hành chính. Hai kì nghỉ mùa hè và mùa đông cũng như các kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày (được “cơi nới” thêm vào các ngày lễ) là thời điểm hay nhất để đi du lịch.

2) Lên trước kế hoạch bữa ăn

Sau hai năm sống trong khu học xá, Beth cũng đã rút ra cho mình những kinh nghiệm tiết kiệm chi phí ăn uống. Lúc mới nhập học, vì không biết ăn gì nên Beth đã phải chi tiền cho các bữa ăn ở căng-tin trường đều đặn 3 lần/ngày. Sau vài tháng, Beth đã nhận ra một biện pháp hay: ăn bánh mì.

Thay vì tốn tiền cho bữa sáng, Beth đã mua bánh mì lát và bơ đậu phụng. Ngoài ra, cô cũng mua các sản phẩm khác như cà-phê để tự pha.

Thực tế là bạn chẳng cần phải có một căn bếp riêng để tiết kiệm trong khâu chế biến thức ăn mà vẫn có thể giảm thiểu hầu bao bằng những sản phẩm nhỏ nhặt kể trên.

3) Cắt giảm việc ăn vặt

Bạn có bao giờ cảm giác mình ăn quá nhiều khoai tây hay chocolat? Nếu vậy thì đây là lúc tốt nhất để bỏ bớt những thức ăn lặt vặt này. Một khi bước vào siêu thị và thèm thuồng một gói khoai tây, hãy hỏi chính mình liệu bạn có chết nếu không mua được chúng? Cuộc sống của bạn có bị lệ thuộc vào chúng không?

Hãy nghĩ là việc nói không với những “món ngon” này sẽ không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền mà còn giúp bạn có được một cuộc sống khỏe mạnh hơn. Một mũi tên trúng hai đích phải không?

4) Tập thể dục miễn phí

Có thể bạn đã nghĩ đến phương án làm thẻ thành viên, nhưng theo Beth thì đây không phải là một ý tưởng hữu ích. Bản thân cô cũng đã từng làm một chiếc thẻ thành viên có hạn sử dụng trong một năm, nhưng trên thực tế cô đã không đi tập nhiều như mình nghĩ.

Phương kế của Beth là bạn hãy nên tận dụng những “công cụ” sẵn có – chẳng hạn như tập chạy ngoài công viên hay tập những bài tập không cần sự hỗ trợ của thiết bị, máy móc.

5) Nói “KHÔNG” với shopping!

Sự thật là bạn không nhận ra rằng mình có nhiều đồ đạc hơn là mình thực sự cần. Khi bước vào một cửa hàng nào đó và cảm thấy thích thú với chiếc áo hay một túi xách, hãy tự hỏi đi hỏi lại xem bạn có thực sự cần thứ đó. Tiếp đó, hãy tự hỏi bản thân xem mình đang cần gì hơn – một chiếc túi xinh xắn hay là điểm đến du lịch mơ ước mà bạn đang để dành tiền để được đến đó.  

6) Vẫn tụ tập với bạn bè, nhưng không nên quá trớn

Tụ tập bạn bè vô cùng thiết yếu cho cuộc sống sinh viên, đặc biệt là sau một tuần lễ bận rộn với bài vở, kiểm tra. Tuy nhiên, hãy xem lại nếu cuối tuần nào bạn cũng tụ tập đi xem phim, bar pub…  

Dưới đây là những cách giúp bạn vẫn có thể hẹn hò được với bạn bè mà không tốn quá nhiều tiền:   

·         Thuê một đĩa phim nào đó và rủ cả hội cùng xem

·         Đi chơi và picnic ở công viên

·         Đạp xe cùng nhau

·         Mua nguyên liệu và ghé nhà một ai đó cùng nấu ăn

7) Dừng thói quen mua sách

Dừng mua sách không có nghĩa là ngừng thói quen đọc sách. Bạn vẫn có thể đọc mà không tốn một đồng xu nào bằng cách dùng sách của thư viện. Khi muốn mua một đầu sách nào đó, hãy tự hỏi xem bạn có thực sự muốn sở hữu quyển sách đó không, trong khi bạn hoàn toàn có thể mượn nó từ thư viện. Hơn nữa, sau khi được đọc xong, chẳng phải cuốn sách đó cũng chỉ nằm yên trên kệ sách mà thôi?

 8) Tìm một nguồn thu nhập

Beth đến từ một quốc gia mà việc đi làm thêm không quá phổ biến, nhưng khi đi học ở nước ngoài, Beth đã dần quen với xu hướng này. Công việc là thêm sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm lý thú. Theo Beth, đi làm một vài tiếng đồng hồ một tuần có thể tạo nên được sự khác biệt rất lớn trong bạn.