5 điều sinh viên cần lưu ý khi tìm việc tại New Zealand

Để hòa nhập một cách nhanh chóng vào môi trường làm việc tại xứ sở Kiwi bạn sẽ cần hiểu về những khác biệt đặc trưng và điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với phong cách New Zealand. Một điều nhà tuyển dụng và đồng nghiệp tìm kiếm nơi bạn chính là tinh thần “Can do” - Thái độ làm việc tích cực đã giúp làm nên thương hiệu của dân bản địa.

Bạn luôn-được-kì-vọng đóng góp vào kế hoạch chung của phòng ban, đội nhóm.

Người New Zealand được biết đến với phong cách làm việc nhanh chóng, cùng nhau bắt tay giải quyết vấn đề thay vì ngồi thảo luận, dự đoán kết quả sẽ đạt được sau đó. Đây được xem là một nét đặc trưng về tư duy được truyền lại từ xa xưa khi tổ tiên của họ khai hoang vùng đất này.

Do đó, bất kì thành viên nào, không phân biệt cấp bậc, cũng đều được các đồng nghiệp còn lại tôn trọng ý kiến riêng vì teamwork được xem là nhân tố quan trọng giúp các doanh nghiệp New Zealand vận hành và phát triển tốt như hiện tại.

1. Bản sắc riêng của các doanh nghiệp New Zealand

Một yếu tố rất quan trọng mà bạn nên biết chính là quy mô đặc trưng của các doanh nghiệp tại quốc gia được đánh giá là phồn thịnh số 1 toàn cầu này ( theo đánh giá của viện nghiên cứu Legatum Institue, Anh quốc )

Gần phân nửa các doanh nghiệp tại New Zealand sở hữu lượng nhân viên dưới 14 người. Số lượng này bằng khoảng ½ lượng nhân viên trung bình tại một công ty của Mỹ. Hiện tại, lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ  ( Small and Medium Enterprise – SME ) chiếm đến 40% nền kinh tế xứ Kiwi. 

Đây được xem là một cơ hội rất tốt cho du học sinh vì các bạn sẽ được trải nghiệm, học hỏi nhiều hơn và tất nhiên sẽ tích lũy được vốn kinh nghiệm đa dạng hơn so với việc trở thành 1 mắt xích nhỏ trong một công ty lớn.  

Bảng so sánh số  lượng nhân viên của một doanh nghiệp SME tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển

Quốc gia Số nhân viên trung bình trong một doanh nghiệp SME
Pháp 33.2
Mỹ 25.6
Đức 17.7
Bồ Đào Nha 17.4
Đan Mạch 15.2
Canada 15.2
New Zealand 13.7
Finland 13.0
Italy 10.0

 

2.Cơ hội và trách nhiệm của bạn trong một doanh nghiệp New Zealand

Khi được nhận vào một doanh nghiệp SME trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn sẽ được chỉ định làm việc dưới quyền một quản lý có nhiều năm kinh nghiệm. Đây sẽ  là một lợi thế không nhỏ vì những nỗ lực của bạn sẽ được nhìn thấy và đánh giá bởi đúng người nên thấy.

Doanh nghiệp với cấu trúc đơn giản sẽ mang đến bạn góc nhìn toàn cảnh về cách vận hành, phạm vi hoạt động của những bộ phận liên quan. Phạm vi công việc của bạn thậm chí sẽ lớn hơn mức kì vọng nhưng ngược lại các bạn sinh viên sẽ thấy rõ giá trị của mình trong một tập thể quốc tế. Điều này nếu so với việc chỉ đơn thuần là một mắt xích trong guồng máy lớn và làm những việc đã được phân định rạch ròi thì hiển nhiên sẽ thú vị hơn nhưng đồng thời cũng là một thử thách không nhỏ.

Vì rằng bạn sẽ làm trong một doanh nghiệp hoặc tổ chức nhỏ nên sẽ không có sự phân chia công việc rõ ràng. Bạn có thể phải kiệm nhiệm nhiều công việc khác nhau cùng một lúc nhưng nên xem đó như cơ hội của mình khi bạn được trải nghiệm nhiều mảng hơn và kết quả là tích lũy được nhiều bài học quý giá và đa dạng hơn.

3. Văn hóa tự do và độc lập nơi công sở New Zealand 

Người New Zealand có khuynh hướng làm việc độc lập và điều đó được phản ánh rõ trong cách làm việc, giao việc, kiểm soát tiến độ công việc giữa cấp trên và cấp dưới. Đây sẽ là một nét đặc trưng khác bạn nên lưu ý nhằm tránh gặp phải “sốc văn hóa” nơi công sở.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu khi chưa rõ mình cần làm gì một cách tự chủ và độc lập thì bạn nên hỏi nhiều và hỏi rõ để được hướng dẫn chi tiết. Nhân sự cấp quản lý sẽ có cơ sở để đánh giá theo hướng tích cực nếu thấy ở bạn sự nhiệt tình trong việc tìm giải pháp cho vấn đề.

Vị thế, cấp bậc được xem là điều thứ yếu trong môi trường làm việc tại xứ sở Kiwi. Tất nhiên nhân sự cấp quản lý sẽ được cấp dưới tôn trọng đúng mực nhưng đồng thời được kì vọng cùng  bắt tay vào giải quyết các vấn đề chung như 1 cá thể bình đẳng của đội nhóm.

Khi làm việc tại New Zealand, du học sinh sẽ không xưng hô theo cấp bậc (với cấp trên) mà chỉ cần gọi tên nhau khi có nhu cầu trao đổi, trình bày về một vấn đề cụ thể. Với văn hóa làm việc tôn trọng giá trị của từng cá nhân, bạn sẽ được đánh giá chủ yếu bởi năng lực, thành tựu trong công việc bất kể có là một “lính mới” hay đã là nhân sự cấp cao.

Việc phục trang cũng rất đơn giản. Mọi người thường mặc trang phục tự do trong môi trường công sở và thậm chí bạn sẽ thấy nơi làm việc mang đến cảm giác thân thuộc như chính gia đình mình. 

Tuy rất tôn trọng sự tự do của cá nhân, nhân sự cấp quản lý sẽ vẫn có những tiêu chí đánh giá nhất định đối với sự nhiệt tình của từng thành viên khi tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung.

4. Cùng làm việc như một đội nhóm New Zealand đúng nghĩa 

Trong một doanh nghiệp có cơ cấu nhân sự vừa và nhỏ tại New Zealand, nhà quản lý rất quan tâm đến việc bạn có hòa nhập tốt vào tập thể đang hoạt động ổn định của họ hay không?

Do đó các bạn sinh viên nên bỏ túi sẵn những mẫu hội thoại ngắn và đồng thời chủ động giao tiếp với đồng nghiệp thông qua các chủ đề liên quan đến công việc. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng nhận được sự phản hồi, hỗ trợ tích cực từ các thành viên khác.

Bạn cũng đừng quên giao tiếp, kết nối đến nhân sự thuộc các bộ phận “họ hàng xa” khác. Hãy tận dụng những dịp như buổi họp nhóm chéo, buổi ăn công ty để tạo mối quan hệ vì sẽ có lúc bạn cần họ cho một vấn đề liên quan đến chuyên môn hoặc cá nhân.

 

5. Bạn không được khuyến khích làm việc quá sức

Làm việc chăm chỉ được xem là điểm cộng tại New Zealand chỉ-trong-trường-hợp bạn sở hữu sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, gia đình.Cuộc sống không chỉ dành cho công việc và nhà tuyển dụng New Zealand luôn khuyến khích bạn nghỉ ngơi nếu nhận thấy hiệu suất lao động tỉ lệ nghịch với lượng thời gian bạn đang dùng để hoàn thành khối lượng việc được giao.

Hơn nữa, nhà tuyển dụng New Zealand sẽ có những chính sách ưu tiên nhất định trong trường hợp bạn đã có gia đình. Theo một khảo sát từ New Zealand Families Commission , hơn 90% người được hỏi đã trả lời rằng công ty cho phép họ nghỉ nếu đó là một dịp hay sự kiện liên quan đến thành viên trong gia đình. Ngoài ra, ba phần tư người được hỏi cũng xác nhận là họ có nhiều ( hoặc rất nhiều ) sự linh hoạt về thời gian làm việc nơi công sở với sự đồng ý từ phía nhà tuyển dụng. 

Một điểm thú vị cần lưu ý cuối cùng là mặc dù môi trường làm việc luôn cam kết mang đến sự linh hoạt cao cho nhân viên thì ngược lại “Làm việc tại nhà” được đánh giá như một hình thức làm việc ít được chấp nhận tại New Zealand so với tại các quốc gia khác.